Hai mô hình ủ rơm với urê và ủ chua thân bắp (sau thu hoạch trái) được xây dựng tại các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Ninh Thuận và Bình Thuận nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế - kỹ thuật ở quy mô nông hộ. Mỗi mô hình gồm 30 hộ ở mỗi tỉnh, tổng cộng có 180 hộ chăn nuôi bò thịt tham gia. Số lượng phụ phẩm được chế biến là 360 tấn cho mỗi loại rơm và thân bắp. Tổng số có 180 bò thịt ở giai đoạn sinh trưởng được theo dõi để đánh giá chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật trong mỗi mô hình. Kết quả cho thấy các mẫu rơm ủ sau 5 tháng đều có kết quả tốt về mặt cảm quan và tăng hàm lượng đạm thô từ 4,3%/VCK ở rơm không ủ lên 9,2%/VCK ở rơm ủ urea (P<0,05). Đối với thân bắp ủ chua, sau 5 tháng cũng đạt kết quả tốt về mặt cảm quan và giảm hàm lượng xơ thô từ 35,3%/VCK trước khi ủ xuống còn 26,1%/VCK sau khi ủ (P<0,05). Tăng khối lượng bình quân của bò tại mô hình ủ rơm với urê là 498,0 g/con/ngày và thân bắp ủ chua là 524,5 g/con/ngày, tăng 102,7 g/con/ngày và 119,1 g/con/ngày so với đối chứng ở hai mô hình tương ứng (P<0,05). Chênh lệch thu chi ở mô hình rơm ủ urea là 2,1 triệu đồng/bò/năm và ở mô hình thân bắp ủ chua là 1,9 triệu đồng/bò/năm. Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp qua xử lý nhằm cải thiện giá trị dinh dưỡng và bảo quản để làm thức ăn cho đại gia súc là giải pháp phù hợp với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay.