Hai thí nghiệm xác định ảnh hưởng của khẩu phần ăn gồm ngô sinh khối HQ2000 ủ chua, cỏ voi tươi, và rơm lúa khô được phối hợp với các tỷ lệ khác nhau đến tỷ lệ tiêu hóa toàn phần, sinh trưởng và hệ số chuyển hoá thức ăn ở bò. Ở thí nghiệm I (TNI), 12 bò đực có khối lượng trung bình 152 kg được bố trí ngẫu nhiên theo ô vuông Latin (4 x 4), tương ứng với 4 khẩu phần ăn và 4 giai đoạn thí nghiệm. Bốn khẩu phần ăn được phối hợp gồm 50% thức ăn hỗn hợp và 50% còn lại các loại thức ăn thô khác nhau (theo DM). Lượng thức ăn thô ở khẩu phần KP1(N100) là 100% ngô sinh khối ủ chua, ở phẩu phần KP2(N50V50) là 50% ngô sinh khối ủ chua và 50% cỏ voi, ở khẩu phần KP3(V50R50) là 50% cỏ voi và 50% rơm lúa, và ở khẩu phần KP4(V100) là 100% cỏ voi. Thời gian thí nghiệm là 40 ngày, trong đó ở mỗi giai đoạn 10 ngày bao gồm 5 ngày bò thích nghi thức ăn thí nghiệm và 5 ngày thu phân. Ở thí nghiệm II (TNII), 20 bò thịt có khối lượng trung bình 163 kg được bố trí ngẫu nhiên vào 4 nhóm tương ứng với 4 khẩu phần ăn thí nghiệm như ở TNI. Gia súc được nuôi nhốt hoàn toàn và lượng thức ăn cho gia súc ăn hàng ngày bằng 3% khối lượng cơ thể (tính theo DM). Thời gian thí nghiệm là 9 tuần, trong đó tuần đầu gia súc làm quen với thức ăn thí nghiệm và nuôi dưỡng, 8 tuần theo dõi thí nghiệm. Kết quả ở TNI cho thấy tỷ lệ tiêu hoá DM,OM, CP, NDF và ADF ở khẩu phần KP1(N100), KP2(N50V50) và KP4(V100) cao hơn KP3(V50R50) (P<0,05); và không có sự sai khác giữa các khẩu phần KP1(N100), KP2(N50V50) và KP4(V100). Ở TNII, tăng khối lượng của bò từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 8 ở khẩu phần KP1(N100), KP2(N50V50) và KP4(V100) tương ứng là 850, 831 và 808 g/ngày, cao hơn KP(V50R50) là 635 g/ngày và trung bình cả giai đoạn 8 tuần thí nghiệm cũng tương tự (P<0,05). Hệ số chuyển hóa thức ăn ở các khẩu phần khác nhau có ý nghĩa, thấp nhất ở KP1(N100), KP4(V100) và KP2(N50V50) tương ứng là 4,62; 5,23; 5,52 so với KP3(V50R50) là 6,84 (P<0,05).