Nghiên cứu được tiến hành từ 2017 đến 2020 tại Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương nhằm đánh giá ảnh hưởng dòng nái, thế hệ, lứa đẻ đến năng suất sinh sản của lợn DVN1 và DVN2 được chọn tạo từ 2 dòng lợn Duroc sinh trưởng nhanh và Duroc mỡ giắt cao có nguồn gen Canada. Năng suất sinh sản được theo dõi trên tổng số 150 lợn nái DVN1 (450 ổ), 150 lợn nái DVN2 (450 ổ) và số liệu được xử lý bằng phần mềm SAS 9.4. Kết quả cho thấy, lợn nái DVN1 có các chỉ tiêu về số con sơ sinh/ổ (10,76 con), số con để nuôi/ổ (10,34 con), số con cai sữa/ổ (9,70 con), khối lượng sơ sinh/ổ (16,64 kg) và khối lượng cai sữa/ổ (66,67 kg) cao hơn (P<0,05) so với lợn nái DVN2 (10,42 con; 10,03, 9,44 con, 15,95 kg và 65,02 kg). Tuổi phối giống lần đầu, tuổi đẻ lứa đầu của lợn nái DVN1 (218,85 và 333,57 ngày) thấp hơn so với lợn nái DVN2 (229,443 và 343,89 ngày). Các chỉ tiêu về số con sơ sinh/ổ, khối lượng sơ sinh/con, khối lượng sơ sinh/ổ, số con sai sữa/ổ, khối lượng cai sữa/con và khối lượng cai sữa/ổ của lợn nái DVN1 và DVN2 có xu hướng tăng lên từ thế hệ 1 đến thế hệ 3 (P<0,05). Các chỉ tiêu về số con cai sữa, tỷ lệ sống đến cai sữa và khối lượng cai sữa/ổ của lợn nái DVN1 và DVN2 có xu hướng tăng lên từ lứa 1 đến lứa 3 (P<0,05). Việc sử dụng lợn nái DVN1 có thể cải thiện được số con sơ sinh/ổ, khối lượng sơ sinh/con, khối lượng sơ sinh/ổ, số con sai sữa/ổ, khối lượng cai sữa/con và khối lượng cai sữa/ổ so với lợn nái DVN2.