Thí nghiệm được thực hiện nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng của ba nhóm con lai F1 giữa bò Brahman, Droughtmaster và Red Angus với bò cái Lai Sind trong điều kiện chăn nuôi ở Bến Tre. Mỗi nhóm con lai có 30 bò F1, trong đó F1 Brahman gồm 11 đực và 19 cái, F1 Droughtmaster gồm 11 đực và 19 cái, F1 Red Angus gồm 13 đực và 17 cái. Thời gian nghiên cứu gồm giai đoạn sinh trưởng từ lúc sơ sinh đến 18 tháng tuổi và giai đoạn vỗ béo từ 18 đến 21 tháng tuổi. Kết quả cho thấy khối lượng cơ thể của nhóm con lai F1 Red Angus và F1 Droughtmaster cao hơn so với con lai F1 Brahman (P<0,05) tại các thời điểm từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi. Tại thời điểm 18 tháng tuổi, khối lượng của con lai F1 Red Angus là cao nhất (410,43 kg), kế đến là con lai F1 Droughtmaster (395,63kg) và thấp nhất là con lai F1 Brahman (345,53kg). Không có sự khác biệt về khối lượng giữa con lai F1 Red Angus và Droughtmaster trong giai đoạn sinh trưởng (P>0,05). Tăng khối lượng của các nhóm con lai là tương đương nhau ở giai đoạn sơ sinh đến 6 tháng tuổi (P>0,05). Tuy nhiên, đến giai đoạn từ 6 đến 18 tháng tuổi thì tăng khối lượng của con lai F1 Red Angus và Droughtmaster cao hơn so với con lai F1 Brahman (P<0,05). Khi tính trên toàn giai đoạn từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi cho tăng khối lượng là 595,5; 678,5 và 705,9 g/con/ngày ở con lai F1 Brahman, Droughtmaster và Red Angus tương ứng. Trong giai đoạn vỗ béo thì tăng khối lượng của các nghiệm thức là tương đương nhau, dao động trong khoảng 1.047 - 1.108 g/con/ngày. Hiệu quả kinh tế vỗ béo đạt từ 3,2 - 4,6 triệu/con và vỗ béo con lai F1 Red Angus cho hiệu quả kinh tế cao nhất, kế đến là F1 Droughtmaster và sau cùng là F1 Brahman. Qua nghiên cứu có thể kết luận rằng bò lai Red Angus và Droughtmaster có tiềm năng sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện chăn nuôi nông hộ tại tỉnh Bến Tre.