Nghiên cứu được tiến hành tại các hộ nông dân và trang trại ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh từ tháng 11 năm 2015 đến tháng 11 năm 2017 để xác định khả năng sản xuất của một số nhóm bò lai hướng thịt. Đối tượng nghiên cứu là 75 bò lai sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo giữa một số giống bò thịt Red Angus, Red Brahman và Droughtmaster với bò cái nền lai Sind, trong đó 15 bò lai Red Angus, 30 bò lai Red Brahman và 30 bò lai Droughtmaster. Bò lai F1 hướng thịt nuôi dưỡng trong điều kiện chăn nuôi nông hộ, trang trại theo phương thức nuôi nhốt hoặc bán chăn thả, có bổ sung thêm thức ăn tại chuồng. Nhu cầu dinh dưỡng theo tiêu chuẩn của Ranijhan 1997 và NRC 1989.
Kết quả cho thấy bò lai Red Angus, bò lai Droughtmaster và bò lai Red Brahman có khả năng sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện chăn nuôi và khí hậu tại Trà Cú, Trà Vinh thể hiện qua các đặc điểm: Các chỉ tiêu sinh lý đều nằm trong phạm vi sinh lý bình thường; tỷ lệ nhiễm ve, tỷ lệ mắc một số bệnh thường gặp và tỷ lệ loại thải thấp; tỷ lệ nuôi sống bê cao: Từ 92,86 đến 96,55% giai đoạn từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi; tốc độ sinh trưởng cao hơn bò lai Sind và đạt khối lượng 254,63 kg đối vớicon lai Red Angus; 244,31 kg đối với con lai Droughtmaster và 197,29 đối với F1 Red Brahman lúc 12 tháng tuổi. Tăng khối lượng bình quân giai đoạn sơ sinh đến 12 tháng tuổi đạt 640,54 gam/ngày đối với con lai Red Angus; 619,04 gam/ngày đối với con lai Droughtmaster và 492,02 gam/ngày đối với F1 Red Brahman.