Tiềm năng sử dụng vỏ chanh leo làm thức ăn cho gia súc nhai lại

Từ khóa:
vỏ chanh leo, thức ăn, gia súc nhai lại.
Tóm tắt

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 6/2017 đến tháng 10/2019, với mục đích điều tra, đánh giá tiềm năng phụ phẩm vỏ chanh leo của tỉnh Sơn La và tiến hành thử nghiệm ủ chua vỏ chanh leo làm thức ăn cho gia súc nhai lại. Vỏ chanh leo thu thập tại công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc được ủ chua theo 5 công thức, cụ thể như sau: CT1: 100% Vỏ chanh leo; CT2: Vỏ chanh leo ủ với 2% rỉ mật (tính theo dạng sử dụng); CT3: 75% vỏ chanh leo + 20% lõi ngô khô + 5% rỉ mật (tính theo dạng sử dụng); CT4: 75% vỏ chanh leo + 20% bã mía +5% rỉ mật (tính theo dạng sử dụng); CT5: 75% vỏ chanh leo + 10% lõi ngô khô + 10% bã mía + 5% rỉ mật (tính theo dạng sử dụng). Nguyên liệu sau trộn được nén chặt theo từng lớp một vào bình nhựa có dung tích 10lít mỗi bình. Mỗi công thức ủ 9 bình (3 lần lặp lại cho 3 khoảng thời gian bảo quản). Thời điểm đánh giá chất lượng thức ăn ủ chua là 30, 60 và 90 ngày ủ.

Kết quả đánh giá chất lượng cảm quan sau khi ủ 30 ngày cho thấy thức ăn ủ chua ở tất cả các công thức đều có màu vàng nâu nhạt, thức ăn mềm có mùi chua nhẹ và không bị mốc. Sau 60 và 90 ngày ủ thì thức ăn chuyển sang màu vàng nâu đậm hơn, mềm, có mùi chua nhẹ và xuất hiện mốc trên 1/3 bề mặt. Đặc biệt, ở công thức ủ chỉ có vỏ chanh leo (CT1) hay vỏ chanh leo và 2% rỉ mật (CT2) thì thức ăn trở nên chua, mềm nhũn và hơi nát thể hiện chất lượng kém. Các công thức có sử dụng thêm 20% bã mía và /hay lõi ngô cùng với 5% rỉ mật cho kết quả cảm quan tốt hơn, có dấu hiệu tho thấy thức ăn ủ chua có thể bảo quản được ổn định lâu dài. Giá trị pH và hàm lượng các axit hữu cơ cho thấy ở tất cả các công thức ủ quá trình lên men đã ổn định sau 1 tháng ủ chua (pH<4,2). Tuy nhiên, CT3, CT4 và CT5 có các chỉ tiêu này tốt hơn, cho phép bảo quản được thời gian dài, mà vẫn giữ được chất lượng thức ăn ủ chua tốt.

Như vậy, ủ chua vỏ chanh leo với cùng với 20% lõi ngô khô và 5% rỉ mật hay 10% lõi ngô khô + 10% bã mía + 5% rỉ mật đều cho kết qủa tốt theo đánh giá cảm quan, pH cũng như các chỉ tiêu phân tích hoá học. Cả 2 công thức này có thể sử dụng cho các nghiên cứu tiếp theo trên gia súc.

Đã Xuất bản

27-08-2024

Tải xuống

Chuyên mục

DINH DƯỠNG VÀ THỨC ĂN