Mục đích của nghiên cứu này nhằm thu thập và bảo tồn tại chỗ gà của đồng bào Mông tại huyện Đồng Hỷ, huyện Võ Nhai - tỉnh Thái Nguyên, bảo tồn chuyển chỗ tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Bằng việc quan sát và theo dõi các chỉ tiêu sinh sản, đã xác định được đặc điểm ngoại hình trên 290 gà trưởng thành (19 - 20 tuần tuổi) ở thế hệ đầu: vóc dáng cân đối, lông màu đen tuyền chiếm 76,00% - 77,50%, 100% mỏ và da chân có màu đen, da màu đen nhạt; 100% mào hình răng cưa, đa số có màu đen (84,00 - 85,81%). Tuổi đẻ quả trứng đầu tiên lúc 149 - 154 ngày; tuổi đẻ đạt 5% lúc 155 - 157 ngày; đẻ đỉnh cao lúc 225 - 228 ngày; tỷ lệ đẻ đỉnh cao đạt 35,14% - 36,29%; năng suất trứng/mái/72 tuần tuổi đạt 75,01 - 76,51 quả; tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng: 5,39 - 5,51 kg. Khối lượng trứng lúc 33 tuần tuổi đạt 46, 89 g, chỉ số hình thái là 1,32, đơn vị Haugh là 86,26. Tỷ lệ trứng có phôi đạt 80,23%; tỷ lệ nở/trứng có phôi đạt 86,26%; tỷ lệ gà loại 1/trứng có phôi đạt 75,26%. Theo dõi đặc điểm ngoại hình, khả năng sinh trưởng của gà đồng bào Mông ở thế hệ sau tại các thời điểm: 01 ngày tuổi, 08 tuần tuổi và 20 tuần tuổi đã chọn lọc được 280 gà (250 trống và 30 mái) có đặc điểm ngoại hình và khối lượng đặc trưng đưa vào 04 mô hình bảo tồn tại chỗ và 01 mô hình bảo tồn chuyển chỗ.