Ảnh hưởng của dung dịch pha tinh và thời gian bảo quản đến chất lượng tinh trùng ở gà Tam Hoàng

Từ khóa:
Gà Tam Hoàng, tinh trùng, thời gian trữ, dung dịch trữ
Tóm tắt

Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của các dung dịch pha cũng như thời gian bảo quản đến chất lượng của tinh trùng ở gà trống Tam Hoàng. Tinh trùng của 20 gà trống Tam Hoàng giai đoạn từ 6-8 tháng tuổi được nuôi tại trại thực nghiệm trường Đại học Tây Đô. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 08/2023 đến tháng 03/2024 với tần suất khai thác 3 ngày/lần và thu thập tinh dịch bằng phương pháp massage bụng và được trữ trong 2 loại dung dịch A và B qua các thời gian 0, 4, 6 và 12 giờ sau khi trữ ở tủ mát 4oC. Các chỉ tiêu về đặc điểm và chất lượng tinh trùng được ghi nhận bằng phương pháp quan sát bằng mắt thường kết hợp với kính hiển vi điện tử và quay video. Kết quả phân tích cho thấy tinh trùng có 100% màu trắng đục, khi được trữ ở dung dịch A với thời điểm 0 giờ tinh trùng có tốc độ di chuyển nhanh (75%) và có hướng di chuyển xuyên (70%), ngược lại ở dung dịch B tinh trùng có tốc độ di chuyển nhanh (18%), tốc độ di chuyển trung bình (50%) và hướng di chuyển thẳng (60%). Sau 12 giờ bảo quản, tốc độ di chuyển của tinh trùng trung bình và chậm ở dung dịch A là 55% và 31% so với dung dịch B là 45% và 50%. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 2 dung dịch pha về pH, hoạt lực, tỷ lệ kỳ hình và tỷ lệ sống của tinh trùng (P<0,05), dung dịch B có pH cao hơn, trong khi hoạt lực, tỷ lệ kỳ hình và tỷ lệ sống của tinh trùng thấp hơn so với dung dịch A. Tương tự, hoạt lực, tỷ lệ sống và nồng độ của tinh trùng giảm có ý nghĩa thống kê và tỷ lệ kỳ hình của tinh trùng tăng dần theo thời gian bảo quản 0, 4, 6 và 12 giờ. Dung dịch pha tinh A tốt hơn dung dịch pha tinh B về các chỉ tiêu về chất lượng tinh trùng. Bên cạnh đó, thời gian bảo quản tinh thời điểm 0 giờ là tốt nhất và chất lượng tinh trùng giảm dần theo thời gian. Có sự tương quan dương mật thiết giữa khối lượng tinh và thể tích của tinh trùng (0,96). Sự tương quan âm được tìm thấy giữa tỷ lệ kỳ hình và tỷ lệ sống của tinh trùng (-0,455), giữa nồng độ và tỷ lệ kỳ hình (-0,387).

Đã Xuất bản

04-11-2024

Tải xuống

Chuyên mục

CNSH VÀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC