Thí nghiệm khảo sát về sinh trưởng, năng suất sinh khối và thành phần hóa học của 10 giống ngô được tiến hành tại Viện nghiên cứu phát triển, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế vụ Xuân năm 2020. Thí nghiệm được bố trí khối hoàn toàn ngẫu nhiên (Randomized Complete Block Design - RCBD), gồm 3 khối và mỗi khối có 10 ô ứng với 10 giống ngô được sắp xếp hoàn toàn ngẫu nhiên. Diện tích mỗi ô là 12 m2, khoảng cách giữa các hàng và các cây là 0,7x 0,2 mét. Kết quả cho thấy thời gian ra hoa, chín sữa, chín sáp và chín sinh lý giữa các giốnglà khác nhau (P<0,05). Chiều cao cây của các giống ngô lai biến động từ 182,53 cm đến 215,93 cm (P<0,05), kích thước đường kính thân cây từ 1,90 cm đến 2,09 cm và không có sự khác nhau giữa các giống. Số lá trên cây giữa các dòng khác nhau (P<0,05) từ 15,80 đến 18,66 lá; diện tích trung bình của lá thứ 10 giữa các giống cũng khác nhau (P<0,05) từ 351,2 cm2 đến 609,9 cm2. Khối lượng trung bình của cây tại các thời điểm chín sữa, chín sáp và chín sinh lý khác nhau (P<0,05). Năng suất sinh khối xanh lúc chín sữa từ 40,325 tấn/ha đến 46,286 tấn/ha; lúc chín sáp từ 44,220 tấn/ha đến 50,960 tấn/ha; và lúc chín sinh lý từ 40,073 tấn/ha đến 44,852 tấn/ha. Thành phần DM, NDF và ADF không có sự sai khác giữa các giống. Lượng DM từ 27,88% đến 30,49%; NDF từ 58,33% đến 66,0% và ADF từ 33,09% đến 37,63%. Lượng CP và khoáng tổng số có sự sai khác có ý nghĩa giữa các giống (P<0,05), CP từ 5,62% đến 7,65% và khoáng tổng số từ 6,26% đến 7,46%. Các giống ngô lai TA2, TA3, TA4, TA5, TA6 và TA9 có triển vọng trồng làm thức ăn xanh cho gia súc ở tỉnh Thừa Thiên Huế.