Nghiên cứu được tiến hành nhằm xác định một số yếu tố ảnh hưởng và đề xuất các giải pháp cải thiện khả năng sinh sản của voi nuôi tại tỉnh Đắk Lắk. Kết quả theo dõi trên 8 voi đực và 8 voi cái còn khả năng sinh sản (dưới 40 tuổi) cho thấy là đối với voi cái khi phân tích hàm lượng progesterone có 8 cá thể voi có chu kỳ động dục bình thường, trong đó huyện Buôn Đôn có 03 cá thể và huyện Lắk có 05 cá thể và đối với voi đực, dựa vào đặc điểm ngoại hình, tính hăng và hàm lượng testosterone có 6/8 cá thể voi (75%) có thể giao phối. Tại huyện Buôn Đôn có 04 cá thể và huyện Lắk có 02 cá thể. Kết quả nghiên cứu về tập tính giao phối và mang thai của các cá thể voi nghiên cứu, nhận thấy voi cái có sự lựa chọn voi đực để giao phối; 3/8 cá thể voi cái đã mang thai tuy nhiên voi con bị chết trước khi được sinh ra ngoài. Kết quả phân tích cho thấy những tác động xã hội ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của đàn voi như đa số chủ nuôi không muốn voi sinh sản và phương thức quản lý voi xích riêng lẻ là những nguyên nhân làm cho voi nhà không thể gặp nhau đề giao phối và sinh sản.