Tình hình nhiễm cầu trùng trên thỏ nuôi tại tỉnh Trà Vinh và thuốc điều trị

Từ khóa:
bệnh cầu trùng, Eimeria, thỏ, Trà Vinh, tỷ lệ nhiễm, Via.Coccid, Baycox 2,5%
Tóm tắt

Nghiên cứu “Tình hình nhiễm cầu trùng trên thỏ nuôi tại tỉnh Trà Vinh và thuốc điều trị” được thực hiện tại 2 địa điểm: Thành phố Trà Vinh và huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh từ 30/4/2020-30/1/2021, nhằm cung cấp thêm các thông tin khoa học cơ bản làm tiền đề giúp người chăn nuôi có cái nhìn bao quát hơn về tình hình nhiễm cầu trùng và đưa ra sự lựa chọn các loại thuốc tẩy trừ một cách thích hợp, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi. Tổng số 400 mẫu phân thỏ được kiểm tra bằng phương pháp phù nổi Willis, kết quả nghiên cứu cho thấy thỏ có tỷ lệ nhiễm chung là 67,5%. Cả hai địa điểm khảo sát đều nhiễm noãn nang cầu trùng, ở thành phố Trà Vinh là 76,0% và huyện Càng Long 59,0%. Theo độ tuổi của thỏ thì tỷ lệ nhiễm giảm dần theo lứa tuổi, ở giai đoạn tuổi 30 - 60 ngày tuổi (89,0%), 61 - 90 ngày tuổi (70,0%), 91 - 120 ngày tuổi (62,0%) và > 120 ngày tuổi (49,0%). Tỷ lệ nhiễm bệnh của thỏ ở nơi có điều kiện vệ sinh thú y tốt là 34,0%, trong khi đó ở nơi có tình trạng vệ sinh thú y kém thì tỷ lệ nhiễm là 98%. Phân thỏ ở trạng thái bình thường nhiễm 46,0% và trạng thái lỏng có tỷ lệ nhiễm cầu trùng là 89,0%. Theo mùa vụ nuôi thì ở mùa mưa, thỏ bị nhiễm bệnh với tỷ lệ cao nhất 96,0% và mùa nắng thì tỷ lệ nhiễm bệnh là thấp nhất 39,0%. Thỏ tại Trà Vinh nhiễm 5 loại noãn nang cầu trùng là Eimeria perforans (25,8%), Eimeria media (46,8%), Eimeria magna (38,0%), Eimeria stiedae (13%) Eimeria irressidua (23%). Thuốc Via.Coccid với liều 1 ml/5 kg thể trọng tẩy sạch 100% sau 10 ngày sử dụng thuốc. Thuốc Baycox 2,5% với liều 10 mg/kg thể trọng tẩy sạch 100% sau 6 ngày sử dụng thuốc. Cả hai loại thuốc đều không có phản ứng phụ nào trong suốt quá trình thí nghiệm.

Đã Xuất bản

09-08-2024

Chuyên mục

CNSH VÀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC