Đối với chăn nuôi lợn, có khá nhiều nghiên cứu tập trung vào nhu cầu dinh dưỡng, đặc biệt là nhu cầu các axít amin, xơ thô, Ca, P..., bổ sung DL, L-Methionene, khoáng hữu cơ – vitamin, Biotin… và điều chỉnh mức ăn dựa vào độ dày mỡ lưng và điểm thể trạng. Đối với gia cầm, chưa có nhiều nghiên cứu mang tính độc lập về dinh dưỡng và thức ăn cho gia cầm mà chủ yếu là các thí nghiệm kết hợp trong quá trình nghiên cứu giống. Các thí nghiệm tập trung chủ yếu trên các giống gà mới như gà nòi Nam Bộ, gà tre, gà Ninh Hòa. Đối với việc sử dụng thức ăn không truyền thống, đặc biệt là các phụ phẩm công nông nghiệp và thảo dược là định hướng quan trọng trong nghiên cứu thức ăn cho chăn nuôi. Ngoài việc tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, hạn chế nhập khẩu, góp phần ổn định an ninh lương thực, việc sử dụng thức ăn không truyền thống còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường và giảm lượng kháng sinh tồn dư trong thực phẩm. Đối với gia súc nhai lại, các nghiên cứu tập trung chủ yếu là khẩu phần ăn, từ bê đực hướng sữa nuôi lấy thịt đến các đối tượng bò lai, bò thuần. Ngoài ra, một kỹ thuật mới cũng đã được triển khai nghiên cứu là sản xuất khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh được lên men (FTMR). Một số nghiên cứu đi sâu vào lĩnh vực phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi gia súc nhai lại nhằm góp phần hạn chế biến đổi khí hậu song song với phát triển chăn nuôi thâm canh.