Ảnh hưởng của việc bổ sung vitamin E vào môi trường bảo quản đến chất lượng tinh dịch gà nhiều cựa Phú Thọ

Từ khóa:
Gà nhiều cựa Phú Thọ, tinh dịch, bảo quản lỏng, vitamin E, chất chống oxy hoá
Tóm tắt

Thí nghiệm tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung vitamin E vào môi trường bảo quản lên chất lượng tinh dịch gà nhiều cựa Phú Thọ tại 24 và 48 giờ sau bảo quản. Tinh dịch thu được được bảo quản ở 4°C bởi môi trường có bổ sung vitamin E ở các nồng độ khác nhau (0, 6, 9, 15 µg/ml). Các chỉ tiêu hoạt lực tinh trùng bao gồm hoạt động khối và tỷ lệ tinh trùng tiến thẳng, tỷ lệ sống, tỷ lệ tinh trùng kỳ hình được đánh giá ở 0, 24, 48 giờ sau bảo quản. Kết quả thí nghiệm cho thấy hoạt lực của tinh trùng bảo quản tăng lên rõ rệt khi bổ sung 9 µg vitamin E/ml môi trường bảo quản sau 24 và 48 giờ. Cụ thể, hoạt động khối của tinh dịch tăng 7,5% và 23%, tỷ lệ tinh trùng tiến thẳng tăng 11,28% và 28,32% so với lô đối chứng (Lô 1) tại 24 và 48 giờ sau bảo quản. Tỷ lệ sống của tinh trùng đạt cao nhất khi môi trường bảo quản được bổ sung vitamin E ở nồng độ 9 µg/ml (3,5% và 2,5% so với Lô 1 ở thời điểm 24 và 48 giờ). Tuy nhiên, không có sự sai khác về mặt thống kê khi so sánh tỷ lệ tinh trùng kỳ hình của tinh dịch bảo quản ở các nồng độ bổ sung khác nhau. Tỷ lệ thụ tinh của tinh dịch bảo quản sau 24 giờ bởi các môi trường bổ sung nồng độ vitamin E khác nhau không khác nhau ở tuần 1 sau thụ tinh nhưng sang tuần thứ 2 thì có sự sai khác (P<0,05). Sau 48 giờ bảo quản, tỷ lệ thụ tinh đạt cao nhất khi bổ sung 9 µg vitamin E/ml môi trường bảo quản (62,15% ở tuần thứ nhất, 35,27% ở tuần thứ hai sau thụ tinh) so với lô ĐC (45,76 % và 11,68% ở lần lượt tuần 1 và 2 sau thụ tinh).  Kết quả cho thấy, bổ sung vitamin E ở nồng độ 9 µg/ml môi trường đã nâng cao chất lượng tinh dịch và kéo dài thời gian bảo quản tinh dịch gà nhiều cựa Phú Thọ khi bảo quản dạng lỏng.

Đã Xuất bản

20-08-2024

Tải xuống

Chuyên mục

CNSH VÀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC