Gà Mnụ Hla Alê là giống gà bản địa được nuôi lâu đời trong khu vực đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Giống được phát hiện và nghiên cứu bởi nhóm nghiên cứu của Đại học Tây Nguyên từ năm 2022, trong khuôn khổ Đề án giữ quỹ gen vật nuôi, cây trồng tỉnh Đắk Lắk. Mục tiêu của đề tài là xác định các đặc điểm sinh học và các chỉ tiêu sản xuất nhằm tư liệu hóa phẩm giống và đề xuất các biện pháp bảo tồn, phát triển nguồn gen quý hiếm này. Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá khả năng sinh sản của gà Mnụ Hla Alê. 400 Mnụ Hla Alê từ 0 đến 20 tuần tuổi được chia làm 4 lô để đánh giá tỷ lệ nuôi sống. Đến giai đoạn theo dõi sinh sản được bố trí theo dõi trên 50 gà mái (lặp lại 3 lần), thời gian nuôi từ 21 đến 73 tuần tuối. Gà được nuôi theo quy trình gà sinh sản thả vườn, không cho ấp và nuôi con. Thức ăn sử dụng trong thí nghiệm là thức ăn hỗn hợp gà đẻ của công ty TOGET, Có hàm lương protein thô 17,5%. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nuôi sống đến 20 tuần tuổi đạt 92,50%, tỷ lệ đẻ trung bình suốt thời gian nuôi là 25,54%, năng suất trứng đến 73 tuần tuổi đạt 93,04 quả/mái/năm, tiêu tốn thức ăn 4,42 kg/10 quả, khối lượng trứng trung bình 48,43g, chỉ số hình dạng 1,27, chỉ số Haugh 82,14; tỷ lệ trứng có phôi 94,43%; tỷ lệ ấp nở 78,68%. Gà Mnụ Hla Alê có năng suất sinh sản khá cao so với một số giống gà bản địa khác.