Mục đích của thí nghiệm là đánh giá ảnh hưởng của việc áp dụng các biện pháp thú y phòng bệnh trong chăn nuôi đến khả năng sinh trưởng và sinh sản của vịt Hòa Lan. Thí nghiệm được thực hiện tại nông hộ thuộc tỉnh Tiền Giang từ năm 2017 đến 2019. Vịt Hòa Lan 1 ngày tuổi được bố trí thành 2 lô, mỗi lô có 40 trống và 160 mái, thí nghiệm lặp lại 3 lần, lô I vịt được nuôi có áp dụng các biện pháp thú y phòng bệnh và lô II (đối chứng) vịt được nuôi theo phương pháp thông thường của người dân. Kết quả cho thấy việc áp dụng các biện pháp thú y phòng bệnh làm giảm tỷ lệ mắc các triệu chứng bệnh về hô hấp và tiêu chảy (3,8 và 2,5 lần tương ứng), tăng tỷ lệ nuôi sống (2,1-2,4%), Tuổi đẻ giảm 4 ngày (144,3 so với 148,3 ngày) so với phương pháp nuôi thông thường, Năng suất trứng lô I đạt 218,32 quả/mái/52 tuần đẻ (cao hơn lô II 7,69 quả), tỷ lệ đẻ đạt 59,79% (cao hơn lô II 2,27%). Tiêu tốn thức ăn/10 trứng thấp hơn (3,31 kg so với 3,47 kg). Các chi tiêu ấp nở không bị ảnh hưởng. Vịt Hòa Lan sinh sản khi nuôi có áp dụng các biện pháp thú y phòng bệnh đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi so với nuôi theo phương pháp thông thường (tăng 9,2%).