Tổng số 35 lợn nái có lứa đẻ từ lứa 2 - lứa 6 đã được sử dụng để nghiên cứu ảnh hưởng của việc bổ sung các khoáng nano ở các mức khác nhau đến năng suất sinh sản của lợn nái trong thời gian thí nghiệm là 140 ngày. Thí nghiệm được thực hiện tại trang trại chăn nuôi lợn ngoại của công ty Công ty Cổ phần sản xuất và Kinh doanh thương mại Hà Thái, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên từ tháng 3 đến tháng 8/2019. Thí nghiệm được thiết kế theo mô hình một nhân tố. Lợn được chia ngẫu nhiên cho 5 lô và mỗi lô được lặp lại 7 lần. Lợn nái lô đối chứng được cho ăn khẩu phần cơ sở bổ sung hỗn hợp khoáng vô cơ theo NRC khuyến cáo (2012) cho lợn nái (mg/kg thức ăn) (25 mg Mn, 80 mg Fe, 20 mg Cu, 0.15 mg Co, 0.15 mg Se và 100mg Zn), trong khi lợn nái ở các lô 1; 2; 3 và 4 được cho ăn khẩu phần bổ sung các khoáng chất nano (Mn, Fe, Cu, Se, Co và Fe mg) ở các mức (10, 32, 8, 0,06, 0,06 và 40 mg); (15, 48, 12, 0,09, 0,09 và 60 mg); (20; 64; 16; 0,12; 0,12 và 80 mg); (25; 80; 20; 0,15; 0,15 và 100 mg). Kết quả cho thấy: (i) Việc bổ sung các khoáng nano các mức khoáng khác nhau đã làm ảnh hưởng đến hàm lượng khoáng tồn dư trong máu và gan của lợn con theo mẹ (P<0.05); (ii) không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về số con sơ sinh, khối lượng sơ sinh của lợn con, khối lượng hao mòn cơ thể của lợn nái và thời gian động dục trở trong các lô được bổ sung bởi các khoáng vi lượng nano so với lô đối chứng (iii) Bổ sung 40% khoáng vi lượng nano so với nhóm đối chứng cũng đáp ứng được yêu cầu về khoáng và cũng không ảnh hưởng đến năng suất sinh sản lợn nái và sinh trưởng của lợn con theo mẹ.